Tin tức

Sân cỏ nhân tạo "tràn" về... nông thôn

29/06/2020 conhantaovff@gmail.com 0 Nhận xét
Sân cỏ nhân tạo

Chuyện người dân ở các thành phố, đô thị đầu tư sân bóng đá mặt cỏ nhân tạo, không còn gì mới lạ. Trong vòng vài năm trở lại đây, các vùng nông thôn ở tỉnh Tiền Giang xuất hiện ngày càng nhiều sân bóng đá cỏ nhân tạo. Điều đó cho thấy cuộc sống ở nông thôn từng bước đi lên. Nhiều sân bóng đá ra đời đã giúp làm giảm các tệ nạn xã hội ở nông thôn.

Hôm rồi có dịp về Vàm Láng, đi ngang xã nông thôn Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) tôi thật sự bất ngờ khi thấy 4 – 5 sân bóng đá mini mặt cỏ nhân tạo khang trang nằm 2 bên đường.

Ghé vào 1 sân, gặp người chủ tên Huỳnh Văn Tình, tôi biết thêm nhiều điều thú vị quanh các sân bóng đá này. Anh Tình cho biết, nhiều xã nông thôn trong vùng có sân bóng đá cỏ nhân tạo, như xã Tân Tây kề bên cũng có đến 3 sân. Mỗi sân (kích thước 44mx22m) nếu là đất ruộng nhà, tiền đầu tư tổng cộng khoảng 700 triệu đồng, trong đó riêng tiền thảm cỏ nhân tạo là 300 triệu đồng (loại cỏ chất lượng trung bình). Tiền thuê sân: 150 ngàn đồng/giờ ban đêm (chủ sân bao đèn); 120 ngàn đồng/giờ ban ngày (ở các đô thị thường cho thuê với giá 150 – 200 ngàn đồng/giờ).

Với giá này, mỗi ngày 1 sân của anh Tình có thể thu tiền thuê trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài ra sân nào cũng kèm theo căn tin, giúp chủ sân có thêm thu nhập. Anh Tình cho biết, đầu tư sân bóng đá cỏ nhân tạo ở nông thôn không “có ăn” như ở thị xã, thành phố, nhưng vì mê bóng đá nên bỏ vốn đầu tư, vừa có điều kiện để anh và người thân chơi bóng đá. Đối tượng vào sân đủ các lứa tuổi: Học sinh thường chơi từ trưa tới chiều; thanh niên từ chiều tới tối; trung niên lúc sáng sớm...

Chính quyền xã Kiểng Phước rất hoan nghênh các hộ dân đầu tư sân bóng đá. Thực tế cho thấy, ở vùng nông thôn nào có nhiều sân bóng đá cỏ nhân tạo, nạn nhậu nhẹt và các tệ nạn xã hội khác đều giảm. Với khoảng 10 – 20 ngàn đồng/người cho 1 buổi tối đá bóng, hầu hết học sinh, người lớn ở Kiểng Phước đều có thể chơi, ai khá giả thì mỗi ngày mỗi chơi, bằng không thì mỗi tuần chơi một vài buổi.

Anh Lê Văn Tám, một người đến đá bóng chỗ sân anh Tình cho biết, nhờ mỗi buổi chiều đá bóng mà anh bớt nhậu hơn trước, sức khỏe tốt hơn, cũng ít tốn tiền hơn so với đi nhậu. Anh Tám cho biết, khi đã chơi quen, anh còn cảm thấy ghiền đá banh hơn là ghiền nhậu. “Đi đá banh có lợi đủ thứ!”, anh Tám nói.

LỆ HẰNG

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: